Nghiên cứu kinh nghiệm triển khai Chính phủ điện tử trong một số lĩnh vực tại Vương quốc Na Uy

Thứ sáu, 06/02/2015 10:27 GMT+7
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong khuôn khổ Dự án “Mở rộng các loại hình doanh nghiệp đăng ký trên Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia”, tháng 12/2014, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã tổ chức Đoàn khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm về triển khai dịch vụ hành chính công điện tử và kết nối điện tử giữa các bộ, ngành tại Vương quốc Na Uy do Bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh làm Trưởng đoàn. Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với một số cơ quan thuộc Chính phủ Na Uy, bao gồm Tổng cục đăng ký Bronnoysund, Cục Thống kê, Cục Sở hữu công nghiệp, Cục Lao động và Phúc lợi xã hội. Dưới đây là một số thông tin và kết quả đáng ghi nhận từ chuyến khảo sát.

(Lãnh đạo Cục QL ĐKKD và một số chuyên gia của Na Uy)

I. Tổng cục đăng ký Bronnoysund và Cục Đăng ký kinh doanh

    Tổng cục đăng ký Bronnoysund

Năm 1978, Cơ quan đăng ký kinh doanh của Na Uy lần đầu tiên được thành lập và là một đơn vị trực thuộc hệ thống tòa án. Tuy nhiên, đến năm 1981, công tác đăng ký doanh nghiệp mới bắt đầu được thực hiện với tổng số nhân sự là 14 người. Năm 1986, Cơ quan này được chuyển về thị trấn Bronnoysund và là tiền thân của Tổng cục đăng ký Bronnoysund được thành lập vào năm 1988.

(Tổng cục đăng ký Bronnoysund)

Tổng cục đăng ký Bronnoysund là cơ quan hành chính chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động đăng ký trên phạm vi toàn quốc, bao gồm cả hoạt động đăng ký doanh nghiệp. Mục tiêu chủ yếu của Tổng cục là đảm bảo các điều kiện cho an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và công chúng nói chung.

Hiện tại, trụ sở Tổng cục đăng ký Bronnoysund được xây dựng trên diện tích 11.000m2 tại thị trấn Bronnoysund với tổng số nhân sự hơn 450 người, bao gồm 18 đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ riêng biệt. Các lĩnh vực đăng ký tại Tổng cục Bronnoysund vẫn thuộc phạm vi quản lý về chuyên môn của các Bộ, ngành khác nhau.Đứng đầu Tổng cục là Tổng cục trưởng do Nhà Vua bổ nhiệm. Ông vừa là người đứng đầu của Tổng cục đăng ký Bronnoysund vừa là một đăng ký viên và trong công tác tố tụng, có thẩm quyền như một thẩm phán. Tổng cục trưởng ủy quyền cho các đăng ký viên trực tiếp thực hiện việc đăng ký.

    Cục Đăng ký kinh doanh

Hoạt động đăng ký kinh doanh được thực hiện tại Cục Đăng ký kinh doanh thuộc Tổng cục đăng ký Bronnoysund. Tại Na Uy, tất cả các đối tượng có hoạt động kinh doanh đều phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, bao gồm: công ty TNHH, công ty hữu hạn công, công ty nhà nước, công ty liên thành phố, các loại hình công ty khác hoạt động kinh doanh, các loại quỹ có thực hiện hoạt động kinh doanh...

Thông tin phải đăng ký với Cục Đăng ký kinh doanh bao gồm:

- Loại hình doanh nghiệp

- Điều lệ công ty

- Ngày thành lập

- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp

- Mục tiêu của doanh nghiệp

- Vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ của doanh nghiệp

- Các thành viên của doanh nghiệp, vốn cam kết của họ và khả năng trả nợ của từng thành viên

- Thành viên Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng quản trị.

- Tổng giám đốc (Giám đốc điều hành)

- Người đại diện theo pháp luật của công ty.

Lệ phí đăng ký kinh doanh áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp là 6.797 NOK (tương đương 19.800.000 đồng) cho hình thức đăng ký bằng bản giấy, 5.666 NOK (tương đương 16.450.000 đồng) cho hình thức đăng ký qua mạng điện tử và đối với các hiệp hội, các loại quỹ, các công ty bảo hiểm tương hỗ,… là 2.832 NOK (tương đương 8.300.000 đồng) cho hình thức đăng ký bằng bản giấy, 2.265 NOK (tương đương 6.600.000 đồng) cho hình thức đăng ký qua mạng điện tử.

Các đơn vị khác có liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh cũng được đặt tại Tổng cục đăng ký Bronnoysund như Cục Điều phối Đăng ký Pháp nhân Trung ương, Cục Đăng ký Sổ sách kế toán Doanh nghiệp, Cục Đăng ký các Nghĩa vụ báo cáo của Doanh nghiệp, Cục Đăng ký phá sản, Phòng cung cấp Thông tin đăng ký nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý doanh nghiệp.

II. Cục Thống kê Na Uy

    Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê Na Uy

Cục thống kê Na Uy (tên theo tiếng Na Uy: Statistisk sentralbyrå, gọi tắt là SSB) được thành lập vào năm 1876, chịu trách nhiệm tổng thể về số liệu thống kê chính thức tại Na Uy cũng như thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phân tích chuyên sâu. SSB là cơ quan thuộc Bộ Tài Chính nhưng hoạt động độc lập với các cơ quan Nhà nước. SSB có khoảng 900 nhân viên làm việc tại các thành phố Oslo và Kongsvinger và khoảng 200 điều tra viên thống kê. Khoảng 70% ngân sách của SSB được cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, số còn lại là nguồn thu từ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng khác nhau như các Bộ, cơ quan nhà nước và Cục Nghiên cứu Na Uy.

SSB được điều hành bởi một Hội đồng quản trị và Tổng cục trưởng. Hội đồng quản trị được chỉ định bởi Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm về định hướng phát triển của công tác thống kê và các hoạt động của SSB. Các đơn vị thuộc SSB bao gồm: Phòng Hành chính; Phòng Thông tin truyền thông; Phòng Tin học (IT); Phòng Thu thập và xử lý dữ liệu; Phòng Nghiên cứu; Phòng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường; Phòng Thống kê xã hội; Phòng Thống kê công nghiệp; Phòng Hệ thống tài khoản quốc gia và Thống kê tài chính.

Việc tổng hợp số liệu thống kê của SSB thực hiện dựa trên dữ liệu đầu vào của các cơ quan đăng ký, ngoài ra cơ quan này cũng thực hiện thu thập dữ liệu từ công tác khảo sát, điều tra trên cả nước.

SSB cung cấp các thông tin thống kê về: dân số và điều kiện sống, tài nguyên và môi trường, nền kinh tế và hệ thống tài khoản quốc gia, hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương và trung ương.

Các số liệu thống kê và phân tích được đăng tải hàng ngày trên trang web ssb.no.

Cục Thống kê Na Uy

Cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê tại Na Uy là Luật Thống kê 1989. Luật này quy định SSB là cơ quan trung ương chịu trách nhiệm về việc chuẩn bị báo cáo số liệu thống kê và cung cấp thông tin thống kê chính thức của nhà nước. SSB phải tuân thủ các quy chế, quy định về hoạt động và tài chính của Chính phủ và Quốc hội. Luật này cũng có những quy định liên quan tới chế độ tiếp nhận và xử lý thông tin, cụ thể như: nghĩa vụ cung cấp thông tin, nghĩa vụ bảo mật, sử dụng thông tin (thông tin chỉ được sử dụng cho mục đích lập các báo cáo số liệu thống kê chính thức), Hệ thống xử lý dữ liệu phục vụ công tác hành chính (Cục Thống kê Na Uy có quyền sử dụng các hệ thống xử lý dữ liệu phục vụ công tác hành chính. Khi các tổ chức, cơ quan thành lập mới hoặc sửa đổi hệ thống xử lý dữ liệu phục vụ mục đích hành chính, tổ chức, cơ quan đó cần thông báo trước cho SSB).

    Một số nguyên tắc, quy định pháp lý liên quan đến công tác thống kê

Khung pháp lý của Na Uy có những quy định tạo dựng nền tảng cho việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước, cụ thể:

- Tại Luật quy định về chức năng và nhiệm vụ của Cục Điều phối Đăng ký Pháp nhân Trung ương (CCRLE) có những quy định tạo dựng nền tảng cho việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa SSB và CCRLE. Cụ thể, CCRLE sẽ định danh các pháp nhân đăng ký bằng cách cấp và thực hiện đăng ký mã số tổ chức cho các đối tượng này. Các cơ quan đăng ký thành viên trong hệ thống các cơ quan đăng ký do CCRLE làm đầu mối sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp cũng như của các khu vực kinh tế thông qua việc sử dụng mã số tổ chức và thông tin từ CCRLE. Nếu có thể, các cơ quan nhà nước và các cơ quan đăng ký khác không thuộc hệ thống cơ quan đăng ký CCRLE cũng bắt buộc phải sử dụng thông tin từ CCRLE. Luật cũng quy định SSB và Cơ quan đăng ký kinh doanh là các cơ quan đăng ký thành viên trong hệ thống cơ quan đăng ký CCRLE.

- Thông tin trao đổi giữa các cơ quan nhà nước bao gồm: Mã số tổ chức, tên tổ chức, địa chỉ, tình trạng, cơ quan đăng ký, mục đích, số lượng lao động sử dụng.

Trên thực tế, SSB luôn là đơn vị phối hợp tích cực với CCRLE do việc phối hợp, trao đổi thông tin với CCRLE được quy định tại luật, bên cạnh đó, SSB cũng cung cấp các thông tin có giá trị về các tổ chức kinh tế như mã ngành, nghề kinh doanh, mã khu vực kinh tế, địa chỉ, số lượng lao động.

- Về cơ chế báo cáo Chính phủ và cung cấp thông tin cho các cơ quan khác: Luật thống kê quy định, SSB là một cơ quan độc lập về chuyên môn, bao gồm việc triển khai các hoạt động nghiên cứu toàn diện, do vậy, SSB chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ các báo cáo thống kê theo chủ trương và trong phạm vi ngân sách được giao. SSB cũng tự quyết định phương pháp thực hiện thống kê để tạo cơ sở cho việc chuẩn bị các báo cáo số liệu thống kê chi tiết. Ngoài ra, SSB cũng tự quyết định về thời điểm và cách thức công bố các số liệu thống kê.

- Về cơ chế xử lý vấn đề sai khác dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan: Liên quan đến trách nhiệm bảo mật thông tin quy định trong Luật thống kê, SSB chịu trách nhiệm báo cáo về các vấn đề liên quan đến chất lượng dữ liệu, thông tin ở mức độ tổng quát (báo cáo chất lượng). Trường hợp, chất lượng số liệu thống kê tổng thể không đảm bảo, SSB sẽ phân tích vấn đềở các cấp độ số liệu thấp hơn:

- Nếu vấn đề chất lượng phát sinh từ cùng một nguồn báo cáo, số liệu: SSB sẽ gửi trả báo cáo cho đơn vị cung cấp và thông báo về vấn đề chất lượng thấp của số liệu thống kê.

- Nếu vấn đề chất lượng phát sinh từ các nguồn báo cáo, số liệu khác nhau: SSB sẽ phản hồi với các đơn vị liên quan về góc độ chuyên môn số liệu thống kê. SSB cũng sẽ đưa ra thỏa thuận về việc xử lý dữ liệu, trường hợp cần thiết cũng có thể cung cấp các số liệu từ các nguồn khác nhau một cách độc lập.

- Về cơ chế xử lý vấn đề sai khác dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan: Liên quan đến trách nhiệm bảo mật thông tin quy định trong Luật Thống kê, SSB chịu trách nhiệm báo cáo.

III. Cc S hu công nghip Na Uy

    Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Cc S hu công nghip Na Uy

Cục Sở hữu công nghiệp Na Uy (tên theo tiếng Na Uy: Patentstyre – NIPO) là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về công tác đăng ký phát minh sáng chế, thương hiệu và thiết kế tại Na Uy. NIPO là cơ quan thuộc Bộ Công Thương và có trụ sở tại thành phố Oslo.

Cục Sở hữu công nghiệp Na Uy

NIPO hiện có khoảng 260 nhân viên. Hoạt động chuyên môn tại đây được chia thành 3 nhóm chính: Pháp chế và Đối ngoại; Dịch vụ dành cho doanh nghiệp; Dịch vụ thông tin và Phát triển thị trường, trong đó bộ phận Dịch vụ Thông tin và Phát triển thị trường có 3 phòng: Phòng Sáng chế, Phòng Sản xuất và Hệ thống; Phòng Thiết kế và Thương hiệu.

Nhiệm vụ chủ yếu của NIPO là thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo trong vai trò là cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như là đơn vị tư vấn và phổ biến kiến thức trong lĩnh vực này.

NIPO đóng góp vào sức cạnh tranh và hỗ trợ phát triển ngành thương mại và công nghiệp tại Na Uy dưới nhiều hình thức khác nhau. Cơ quan này phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giúp đảm bảo an toàn cho hoạt động đầu tư và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó tạo động lực phát triển nền kinh tế Na Uy.

        Quy trình đăng ký s hu trí tu (sáng chế, thương hiu và thiết kế) ti Na Uy

- Đăng ký sáng chế: Để nộp đơn đăng ký sáng chế tại Na Uy, người đăng ký cần nộp đơn đến NIPO. Bằng sáng chế đăng ký với NIPO chỉ được bảo vệ trong phạm vi Na Uy. Nếu người đăng ký có nhu cầu bảo vệ sáng chế tại nước ngoài, việc thực hiện đăng ký bảo vệ sáng chế trong nước cũng là bước khởi đầu cần thiết.

+ Np h sơ đin t:

Đối với công dân Na Uy và các công ty hoạt động tại Na Uy, vì lý do an ninh và mục đích theo dõi việc xử lý cấp bằng sáng chế, người đăng ký được khuyến khích đăng ký trực tuyến thông qua Cổng thông tin Altinn.

+ Ni dung h sơ đăng ký:

o   Hồ sơ đăng ký sáng chế cần có phần mô tả sáng chế, bao gồm các bản vẽ nếu cần thiết. Người đăng ký phải mô tả sáng chế đầy đủ để một người được đào tạo có thể thực hiện sáng chế dựa trên mô tả này. Phần mô tả cũng phải nêu các ví dụ minh họa thể hiện các phiên bản khác nhau của sáng chế nếu cần thiết.

o   Hồ sơ đăng ký phải kèm theo đơn đề nghị yêu cầu bảo hộ sáng chế trong đó mô tả cụ thể bằng văn bản về phạm vi bảo hộ sang chế mà người nộp đơn mong muốn.

o   Hồ sơ đăng ký cũng phải có một bản tóm tắt ngắn hoặc tổng hợp các nội dung mô tả sản phẩm và đề nghị bảo hộ. Tài liệu này được coi là tài liệu kỹ thuật bổ sung trong hồ sơ và không có ý nghĩa cụ thể trong việc bảo hộ sáng chế.

- Đăng ký thương hiu: Để nộp đơn đăng ký thương hiệu tại Na Uy, người đăng ký cần nộp đơn đến NIPO. Thương hiệu đăng ký với NIPO chỉ được bảo vệ trong phạm vi Na Uy. Nếu người đăng ký có nhu cầu bảo vệ thương hiệu tại nước ngoài, việc thực hiện đăng ký bảo vệ thương hiệu trong nước cũng là bước khởi đầu cần thiết.

          + Np h sơ đin t:

Đối với công dân Na Uy và các công ty hoạt động tại Na Uy, vì lý do an ninh và mục đích theo dõi việc xử lý cấp đăng ký thương hiệu, người đăng ký được khuyến khích đăng ký trực tuyến thông qua Cổng thông tin Altinn.

          + Ni dung h sơ đăng ký:

o        Hồ sơ đăng ký thương hiệu bao gồm danh sách của tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà người đăng ký muốn đăng ký thương hiệu. Người đăng ký không thể bổ sung thêm hàng hóa và dịch vụ vào danh sách này sau khi đã nộp đơn đăng ký.

o        Trường hợp muốn bổ sung thông tin, người đăng ký cần phải nộp lại hồ sơ đăng ký mới. Các hàng hóa và dịch vụ phải được phân loại theo hệ thống phân loại quốc tế.

IV. Cục Lao động và Phúc lợi xã hội Na Uy

Cục Lao động và Phúc lợi xã hội Na Uy (NAV) được thành lập vào ngày 1/7/2006 trên cơ sở sáp nhập của cơ quan quản lý dịch vụ công về lao động và cơ quan bảo hiểm quốc gia. Với sự ra đời của NAV, chính quyền trung ương và địa phương cùng phối hợp để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân thông qua hệ thống gồm 456 văn phòng NAV trên khắp cả nước. Chính quyền địa phương và NAV thống nhất về phạm vi cung cấp dịch vụ công liên quan đến lao động và phúc lợi xã hội của mỗi bên.

NAV quản lý một phần ba ngân sách quốc gia thông qua các chương trình như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau, trợ cấp hưu trí, trợ cấp cho trẻ em và trợ cấp chăm sóc trẻ em trong độ tuổi từ 1-2 tuổi nhưng không đến trường mầm non.

NAV có khoảng 19.000 nhân viên, trong đó khoảng 14.000 là nhân viên của cơ quan trung ương, và khoảng 5.000 người làm việc tại các cơ quan địa phương.

Hoạt động của NAV hướng tới những mục tiêu chính sau:

• Tăng số người tham gia lực lượng lao động, giảm số sống nhờ trợ cấp

• Một thị trường lao động ổn định, có hiệu quả

• Cung cấp các dịch vụ công và trợ cấp phù hợp vào đúng thời điểm

• Cung cấp các dịch vụ tốt phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của người sử dụng

• Quản lý lao động và phúc lợi xã hội toàn diện, hiệu quả

Vào tháng 6/2012, một đạo luật mới được thông qua bởi Quốc hội Na Uy quy định việc thu thập và sử dụng thông tin từ người sử dụng lao động, bao gồm các thông tin về công việc, thu nhập và các khoản thuế. Luật mới có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015. Trên cơ sở khung pháp lý mới, một dự án đã được thành lập nhằm tạo dựng khuôn khổ mới cho việc phối hợp thu thập và cung cấp thông tin giữa các giữa các cơ quan như Cục Thuế, Cục Lao động và Phúc lợi xã hội và Cục Thống kê Na Uy (Dự án Elektronisk med dialog arbeidsgiverne, gọi tắt là EDAG). Một số nội dung chính của Dự án EDAG bao gồm:

- Phương tiện thu thập dữ liệu: Kết nối thông tin số thông qua các kênh trao đổi đã có nhưng được nâng cấp thêm trong đó bao gồm cung cấp dữ liệu qua kênh điện tử; thông tin liên lạc hai chiều giữa bên cung cấp và bên nhận thông tin về chất lượng và tình trạng thông tin đã cung cấp.

- Các thông tin cần thu thập được xác định rõ ràng trước khi tiến hành thu thập để đảm bảo không vượt quá phạm vi thông tin các đơn vị phối hợp đã và đang tiến hành thu thập.

- Một yếu tố quan trọng trong dự án này là các công ty cung cấp nguồn nhân lực và hệ thống phần mềm theo dõi việc chi trả lương. Các yếu tố này sẽ được xem xét, cân đối để xây dựng chế độ kế toán dùng chung và một chế độ đơn giản báo cáo về các dữ liệu doanh nghiệp đã có.

- Thông tin được thu thập chủ yếu từ các doanh nghiệp với một hoặc nhiều hình thức hoạt động kinh doanh khác nhau. Đơn vị thống kê cơ bản là người lao động và công việc. Các nhóm thông tin cơ bản cần thu thập bao gồm thông tin về lao động việc làm, chế độ lương thưởng và các biện pháp đảm bảo chất lượng thông tin.

- Việc thu thập thông tin về lao động và tiền lương hiện tại của SSB được thực hiện chủ yếu dựa trên dữ liệu của các cơ quan đăng ký và khảo sát do chính SSB thực hiện về các vấn đề như người sử dụng lao động, người lao động và vấn đề việc làm, tiền lương. Ngoài các cơ quan như SSB, Cục Lao động và Phúc lợi xã hội, Cục Thuế, các đơn vị quan trọng cung cấp thông tin đăng ký chính thức của nhà nước cũng là những đối tác chính trong Dự án EDAG. Các thông tin thống kê chính bao gồm:

+ Số liệu thống kê về việc làm được đăng ký với cơ quan nhà nước
(hàng năm): chủ yếu dựa vào dữ liệu từ Cơ quan đăng ký người sử dụng lao động và người lao động của Cục Lao động và Phúc lợi xã hội.

+ Số liệu thống kê về tiền lương và thu nhập (quý, năm): dựa trên điều tra theo mẫu hàng quý do SSB thực hiện và tổng hợp số liệu. Đây là một trong những điều tra với mẫu điều tra lớn nhất thực hiện với khoảng 70% số người lao động và kết quả thu được sẽ là cơ sở để lập báo cáo số liệu thống kê về cơ cấu thu nhập của người lao động.

+ Số liệu thống kê chi phí lao động (theo quý và một điều tra về cơ cấu chi phí lao động thực hiện 4 năm một lần): thống kê về cơ cấu chi phí lao động được thực hiện bởi SSB bốn năm một lần trong đó có một khảo sát độc lập. Báo cáo thống kê theo quý được thực hiện dựa trên việc tổng hợp hợp các nguồn thông tin có sẵn .

+ Số liệu thống kê về tiền lương (thực hiện hàng năm, là một phần trong báo cáo của Cục Thuế): dựa trên thông tin từ báo cáo cuối năm (end-of-year Certificate Register) do Cục Thuế Na Uy cung cấp.

+ Thống kê về các khoản trích nộp bảo hiểm của người sử dụng lao động cho Cơ quan bảo hiểm quốc gia (thực hiên hàng năm, thuế thu nhập): thông tin được Cục Thuế thu thập 2 tháng một lần, và 6 lần trong một năm và có báo cáo tổng kết hàng năm.

V. Mt s nhn thc rút ra t kinh nghim trin khai ca Na Uy 

Thứ nhất, để thành công trong công tác quản lý kinh tế vĩ mô, một trong những điều kiện tiên quyết là sự kết nối, trao đổi thông tin hai chiều giữa Chính phủ người dân, doanh nghiệp.

Cách thức tổ chức nền hành chính công chia cắt theo ngành chuyên môn sâu nhưng lại thiếu sự phối hợp, chia sẻ thông tin đã cung ứng cho xã hội một khối lượng thông tin thiếu chuẩn mực và chưa có độ tin cậy cao. Điều này, một mặt, gây lãng phí trong đầu tư công, mặt khác, đối với người dân và doanh nghiệp, rất khó để tìm kiếm và sử dụng thông tin phù hợp.

Có hai cách thức để tiếp cận và xử lý vấn đề này:

- Cách thứ nhất: mỗi tổ chức, cơ quan tự xây dựng và thực hiện một lộ trình tin học hóa cho ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Cách đi này có thể tạo ra sự nổi trội về trình độ tổ chức thông tin cho chuyên ngành hẹp nhưng lại chưa tính toán được sự tương thích với các ngành khác.

- Cách thứ hai: xây dựng một lộ trình chung cho tất cả các tổ chức theo hệ thống hành chính. Phương thức này có khả năng tạo ra một môi trường thông tin có chuẩn mực, có thể dùng chung nhưng lại khó thể hiện và khai thác các nguồn thông tin đặc thù của mỗi ngành, lĩnh vực.

Một cách khác có thể phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm của hai cách trên là lựa chọn ra một số cơ quan hành chính cốt lõi nhất, nơi có thể tạo thông tin và cung cấp thông tin cần thiết, phù hợp với nhu cầu của người dân ở Na Uy, đó là: đăng ký kinh doanh, thuế và thống kê.

Việc lựa chọn 3 cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, thống kê là nhân lõi của Chính phủ điện tử xuất phát từ thực tế rằng đây là nơi thu thập, cập nhật thông tin và cũng là nơi sử dụng thông tin. Kênh tạo thông tin sử dụng cho công tác điều hành vĩ mô trước hết phải từ ba cơ quan này. Các cơ quan khác là người sử dụng thứ phát. Tính chất của số liệu thống kê không chỉ có ở cơ quan thống kê mà ở cả hai cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, và ngược lại.

Do vậy, nhiệm vụ đầu tư nâng cấp ba cơ quan này, đặc biệt là sự phối hợp giữa ba cơ quan nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho điều hành vĩ mô của Chính phủ, cần phải được ưu tiên đúng mức.

Thứ hai, muốn tin học hóa một lĩnh vực quản lý nhà nước thì điều kiện tiên quyết là phải quy trình hóa hệ thống nghiệp vụ của lĩnh vực đó. Trên cơ sở quy trình nghiệp vụ đã được xây dựng logic và hệ thống, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trình cấp có thẩm quyền để pháp lý hóa quy trình đó và cuối cùng mới là bước phân tích yêu cầu và lập trình xây dựng các phần mềm ứng dụng hay mua sắm máy móc thiết bị. Đây là kinh nghiệm đã được quốc tế hóa. Mọi quá trình tin học hóa của bất kỳ hệ thống quản lý nào không theo quy luật này đều dẫn đến nguy cơ thất bại cao.

Đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi, do cơ sở pháp lý và cơ chế quản lý có nhiều nội dung cần thay đổi nên nguồn lực dành cho hai khâu đầu chiếm tỷ trọng lớn. Nếu hai khâu đầu làm tốt thì việc tin học hóa trở thành vấn đề đơn giản có tính kỹ thuật và là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử, thương mại điện tử,...

Việt Anh

Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh

Lượt xem: 5808

X

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Thông tin hỗ trợ
Hộp thư hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, dịch vụ thông tin, bố cáo điện tử, thanh toán điện tử
Hộp thư tiếp nhận phản ánh về đăng ký doanh nghiệp